Tìm Công Việc Mơ Ước. Nâng Bước Thành Công!!

Cảm ơn bạn chọn Pharma360Tìm việc
Tra cứu dược thư quốc gia 20222 online miễn phí

TỰ DO TÀI CHÍNH - NHỮNG GÌ MÀ TÔI BIẾT

Lượt xem: 247Ngày đăng: 11-05-2023

“Tiền không quan trọng, quan trọng là không có tiền” anh bạn sếp doanh nghiệp lớn nhiều tiền của mình thường nói đùa như vậy. Rất nhiều người, trong đó có mình, đã từng không quan tâm đến tiền bạc và kết quả là có những lúc khốn đốn vì thiếu tiền.

Được giải phóng khỏi nỗi lo tiền bạc có lẽ là ước mơ của bất cứ ai. Hiểu được điều đó, rất nhiều hội nhóm đa cấp đã dùng cụm từ “tự do tài chính” làm mồi nhử các thành viên mới tham gia. Nhưng đạt được tự do tài chính từ các nhóm bán hàng đa cấp là điều khó hơn lên đỉnh Everest. Có lẽ vì lý do đó mà nhiều người Việt bị dị ứng với cụm từ này. Nhưng đó là một sai lầm. Mỗi chúng ta nên dành thời gian nghiên cứu khái niệm này một cách nghiêm túc để áp dụng vào cuộc sống của mình vì đó chính là một yếu tố quan trọng của cuộc sống hạnh phúc.

Có nhiều bài viết về chủ đề này, nhưng mình thích những bài viết giàu tính định lượng. Dưới đây là những gì mình đọc được:

1. Tự do tài chính là trạng thái một người (hay một gia đình) có đủ tiền trang trải cho mọi nhu cầu của cuộc sống mà không cần phải làm gì đến cuối đời.

Theo nghiên cứu của ĐH Trinity thì trạng thái này có thể đạt được nếu mức chi tiêu hàng năm sau khi trừ lạm phát sẽ bằng 4% tổng giá trị tài sản đầu tư của người đó.

2. Để có được trạng thái tự do tài chính, mỗi người sẽ cần tính đến cả 2 đầu: Chi tiền và kiếm tiền.

Trái với lầm tưởng của nhiều người, tự do tài chính hay trở nên giàu có phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của mỗi người về tiền bạc. Nếu tư duy đúng bạn sẽ tạo được thói quen phù hợp giúp bạn tăng dần giá trị và đạt đến tự do tài chính sớm hơn rất nhiều so với những người khác.

3. Để tư duy đúng, bạn cần rèn việc ghi chép thu chi để có cảm nhận về tiền bạc.

Cảm nhận đó sẽ khiến bạn hiểu rõ những hoạt động nào của bạn ra tiền, những hoạt động nào mất tiền và bao nhiêu. Điều này rất quan trọng vì khả năng cảm nhận đó sẽ giúp bạn điều chỉnh hành vi giúp tiết giảm chi phí, tối ưu hiệu quả chi tiêu, tăng mức tiết kiệm và tối ưu đầu tư.

4. Để tiết giảm chi phí tăng tỷ lệ tiết kiệm, bạn cần tối ưu các khoản chi có tỷ trọng lớn.

Có nhiều thứ khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ. Dưới đây là một số ví dụ:

a. Mua nhà ở xa trung tâm nhưng gần bến xe buýt, bạn sẽ tiết kiệm được cả tiền mua nhà và chi phí đi lại, hai khoản tiền chiếm tỷ trọng lớn trong cuộc đời bạn.

b. Tự nấu ăn sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí ăn hàng, cái này cũng chiếm tỷ trọng cao trong chi phí sinh hoạt. Nếu bạn không phải là người có sở thích nấu nướng, hãy lên danh sách khoảng 30 thực đơn và mua nguyên liệu sẵn để nấu quay vòng. Việc mua hàng có kế hoạch sẽ giúp bạn tối ưu chi phí tốt hơn nhiều so với mua hàng tuỳ hứng.

c. Tối giản việc mua sắm. Hãy mua những thứ bạn phải có và những thứ bạn yêu, đừng mua những thứ ở giữa. Càng sở hữu nhiều đồ dùng vật chất, bạn càng có mức thoả dụng/chi phí thấp. Vì mua những trải nghiệm có mức độ thoả dụng cao hơn nhiều so với mua sắm vật chất. Và đồ dùng vật chất luôn kéo theo phụ phí như chỗ để, bảo dưỡng, sửa chữa.

d. Nếu bạn có công việc online thì đó là một ưu điểm quan trọng vì bạn có thể tiết kiệm khá nhiều nhờ sống ở những nơi có chi phí sinh hoạt thấp…

5. Tỷ lệ tiết kiệm/tổng thu nhập là chỉ số quan trọng nhất để đạt được tự do tài chính.

Càng tiết kiệm sớm bạn càng có cơ hội rút ngắn thời gian đạt tự do tài chính vì điều này sẽ làm tăng tử số và giảm mẫu số. Tiết kiệm sớm bạn sẽ hình thành được thói quen đúng sớm hơn nên sẽ thực hành tiết kiệm hiệu quả hơn. Tiết kiệm sớm sẽ giúp bạn tăng mức đầu tư và qua đó tăng tổng thu nhập, trong khi mức chi tiêu của bạn không thay đổi nhiều, nên mức tiết kiệm/tổng thu nhập sẽ tăng.

6. Đầu tư có nhiều cách khác nhau tuỳ theo khẩu vị rủi ro của từng người.

Tuy nhiên, có 1 số nguyên tắc chung nên tuân theo:

a. Càng trẻ, ít tiền càng chấp nhận rủi ro cao, về sau sẽ giảm dần. Ví dụ như: Danh mục đầu tư nên giữ tỷ lệ trái phiếu bằng với số tuổi của mình.

b. Ưu tiên mua chứng chỉ quỹ chỉ số hơn là các cổ phiếu riêng lẻ để tránh rủi ro vì giá trị chứng chỉ quỹ chỉ số không bao giờ về 0 và sẽ phục hồi khi thị trường tăng điểm trở lại.

c. Giữ tỷ trọng giá trị cổ/trái ổn định. Tức là nếu cổ phiếu bị xuống giá thì bán trái đi mua thêm cổ để tỷ trọng không thay đổi. Đây là cách giữ cho danh mục đầu tư ổn định về tỷ trọng khi thị trường biến đổi.

d. Để tránh không bị ép bán danh mục đầu tư trong khi thị trường xuống thì cần có 1 lượng tiền mặt hoặc tài khoản có khả năng thế chấp, thanh khoản cao để đề phòng khi cần tiền tiêu…

e. Các hình thức đầu tư không rõ ràng, có rủi ro cao cần cân nhắc kỹ, và nếu đầu tư thì chỉ dành 1 phần nhỏ tài sản vào đó… Ngoài ra còn nhiều mẹo hay khác nữa, mình sẽ bổ sung dần sau nếu tìm được.

Rất mong được mọi người góp ý thêm.

Tác giả: Hùng Đặng.

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

084 8888 360