HÃY LÀM VIỆC NHỎ NHẤT BẰNG THÁI ĐỘ TỐT NHẤT MÀ BẠN CÓ
Chúng ta thường hay nghe “Thái độ quan trọng hơn trình độ” hay “Thái độ là tất cả”. “Thái độ” đóng vai trò rất quan trọng trong công việc. Nhà tuyển dụng muốn tuyển được người có thái độ tốt, các sếp muốn nhân viên của mình có thái độ làm việc tích cực. Vậy làm thế nào để có thái độ tốt? Làm sao để trở thành một người có năng lực? Bí quyết thực sự rất đơn giản, đó là “hãy làm việc nhỏ nhất bằng thái độ tốt nhất mà bạn có”.
Có 2 điều mà chúng ta khi đi làm dễ mắc phải gồm:
- Có mục tiêu cho tương lai nhưng lại bị lợi ích trước mắt che mờ đi.
- Chúng ta cũng muốn được ghi nhận, muốn thành công, nhưng lại đo đếm từng chút sức lực mình bỏ ra.
Phần đa chúng ta, đều mắc phải lỗi này và rồi sau đó cảm thấy không thể tìm được tình yêu với công việc mình đang làm nữa…
Và tôi tin, hơn 90% các bạn đang đọc bài viết này đã từng được biết về câu chuyện thăng chức dưới đây (dù có thể khác nhau 1 xíu):
“… Câu chuyện kể về 1 cô nhân viên A làm ở 1 công ty đã nhiều năm, nhưng mới đây một nhân viên B được tuyển dụng vào sau lại được thăng chức, còn nhân viên A thì không. Nhân viên A nghĩ rằng công ty phải chăng có thành kiến với mình nên quyết định đến hỏi ông chủ.
Người chủ liền nhờ cô xử lý 1 số công việc, cụ thể: “Một khách hàng sẽ đến công ty để kiểm tra tình trạng sản phẩm, cô hãy liên lạc với họ hỏi xem khi nào họ đến? và Đây là một nhiệm vụ quan trọng”
Sau 15 phút, cô quay trở lại văn phòng và báo cáo kết quả: “Đã liên hệ được với họ rồi nhưng họ nói rằng tuần tới mới có thể qua.”
Ông chủ hỏi tiếp: “Cụ thể là vào thứ mấy tuần sau?”
Cô ấp úng nói: “Cái này tôi chưa hỏi rõ”.
“Vậy có bao nhiêu người đến?”
“A! Giám đốc không nhắc tôi hỏi điều này?”
“Vậy họ đến đây bằng gì? Họ ở đây mấy ngày?”
“Cái này ngài cũng không nhắc tôi hỏi!”
Và cũng nhiệm vụ tương tự, nhân viên B – người vào sau nhưng được thăng chức sau một lúc đã quay lại và cho biết: “… Họ sẽ đáp máy bay vào 3 giờ chiều ngày thứ sáu tuần sau, khoảng 6 giờ tối sẽ đến đây. Họ có tổng cộng 5 người do trưởng phòng tiêu dùng ông Nam dẫn đầu. Tôi đã báo họ là công ty sẽ cho người ra sân bay để đón”.
“Ngoài ra, họ còn có kế hoạch nghiên cứu 2 ngày tại đây. Cụ thể về lịch trình thì sau khi đến đây hai bên sẽ bàn bạc để biết rõ hơn. Để tạo thuận lợi cho công việc, tôi đề xuất sắp xếp họ ở tại khách sạn quốc tế gần đó, nếu ngài đồng ý, ngày mai tôi sẽ đặt phòng trước.”
“Còn nữa, trong tuần tới dự báo thời tiết có mưa, tôi sẽ giữ liên lạc với họ bất cứ lúc nào. Nếu tình hình thay đổi, tôi sẽ báo cáo lại cho ngài ngay”.
Sau khi anh nhân viên B trả lời, nhân viên A lúc này mới hiểu ra lý do.
Câu chuyện này, nghe cũng nhàm nhỉ? (Dù gì cũng đọc nhiều lần rồi mà)
Nhưng mình xin kể lại câu chuyện này vì muốn hỏi các bạn một câu hỏi:
Có bao giờ bạn liên hệ với bản thân với câu chuyện này?
Có bao giờ bạn thấy mình trong đó, rằng bạn vẫn tin rằng: làm việc lâu năm hơn nghĩa là bạn giỏi hơn? Hay bạn có quyền phải đạt được vị trí này hay mức lương nọ?
Bạn có thấy nhiệm vụ trong câu chuyện, đây là 1 nhiệm vụ mà nhiều người cho rằng đó là VIỆC NHỎ, và thường người ta sẽ làm nó với THÁI ĐỘ NHỎ (làm cho xong, hỏi gì làm nấy, đâu cần kế hoạch, đâu cần nghĩ ngợi phương án A-B-C có thể xảy ra).
Nhưng bất kỳ công việc nào, chỉ cần bạn thấy nó cần phải hoàn thành tốt, chỉ cần bạn quan tâm về công việc bạn đảm nhận, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc của bạn rất nhiều (Người ta gọi đây là THÁI ĐỘ LỚN)
Thực tế mà nói, các sếp luôn có cách để gài hay đánh giá thái độ nhân viên, và đến 1 thời điểm nào đó, họ sẽ cho những người được đánh giá tốt một cơ hội họ xứng đáng được nhận
Chỉ cần thái độ tốt như sự lạc quan, sự tự tin đều mang lại những giá trị lớn cho cuộc đời của chúng ta và để có thể tiến bộ về lâu dài trong chặng đường phát triển bản thân đừng quên 3 thái độ dưới đây nhé!
1. Responsibility — Có trách nhiệm:
Có trách nhiệm là việc bạn luôn có trách nhiệm với lời mình nói, việc mình làm.
Có trách nhiệm không chỉ đơn giản là khi bạn gây ra vấn đề thì bạn chịu trách nhiệm cho vấn đề đó.
Có trách nhiệm là việc bạn luôn luôn thay đổi bản thân để hoàn thành tốt nhất công việc được giao (do your best).
Có trách nhiệm là khi bạn nhận một cam kết thì bạn phải đảm bảo rằng bạn có khả năng làm được việc đó, chứ không phải hứa bừa.
Có trách nhiệm là không tìm lý do để bào chữa cho lỗi lầm của mình (Don’t excuse yourself), thay vào đó bạn hành động để không mắc lại sai lầm đó một lần nữa.
Có trách nhiệm là việc bạn hỗ trợ cho đồng nghiệp của mình hoàn thành mục tiêu của họ.
Hi vọng các bạn có thể xem Trách nhiệm nhưng không phải trách nhiệm – nghĩa là bạn hay xem trách nhiệm như 1 người bạn, nó giúp bạn sống có ý nghĩa và tốt hơn chứ không phải gánh nặng của cuộc đời mà bạn phải gánh (dùng thái độ tích cực để nhìn nhận nó nhé).
2. Willing to learn — Mong muốn học hỏi:
Thái độ quan trọng không kém chính là việc mong muốn học hỏi. Người mong muốn học hỏi có thể bắt đầu thay đổi từ những việc nhỏ nhất. Cách thức bạn trả lời mail, cách bạn nói chuyện với đồng nghiệp… Người luôn có mong muốn học hỏi sẽ tìm được cách để thay đổi chính bản thân mình, luôn luôn học những điều mới qua đó tiến bộ từng ngày. Một trong những kỹ năng quan trọng để hỗ trợ chính là kỹ năng lắng nghe. Chỉ có lắng nghe thấu hiểu mới có thể khiến bạn tiến bộ hơn mỗi ngày, và cũng chỉ có việc tiến bộ hàng ngày mới là việc giúp bạn tiến xa trong công việc.
3. Get your hands dirty — Không ngại những việc chân tay.
Để làm được những việc lớn thì việc đầu tiên chính là không ngại những việc chân tay. Việc mình muốn nhắc đến ở đây chính là những việc chân tay, những việc bạn không thích nhưng nó lại là việc giúp bạn hoàn thành công việc. Ví dụ nếu công ty không có người làm nhiệm vụ chuyên trách về luật thì đôi khi sale cũng phải là người rà soát từng câu chữ trong hợp đồng, bởi là việc cần thiết để bạn có được kết quả là hợp đồng tốt với khách hàng. Ví dụ nếu như việc làm đi làm lại một việc hết sức chân tay (ví dụ nhập mẫu thử, kiểm tra lỗi) nhưng nó giúp bạn hoàn thành công việc thì đó cũng sẽ là việc nên làm. Nếu bạn có thái độ trên thì những câu kiểu như thế này sẽ ít khi nói ra: “Đây không phải là việc của tôi”, “Em chỉ làm được vậy thôi, sếp muốn thì cho bạn khác làm”, “Việc này tốn thời gian quá”; “Cái này sếp không hỏi” …
Một chút câu chuyện bản thân, khi tôi bắt đầu làm Marketing, trong tháng đầu tiên tôi đảm nhận đồng thời viết content, tư vấn fanpage, nghe hotline, thiết kế ảnh; làm website, đi thị trường,… và bạn biết không mức lương tôi nhận là 6tr thời gian tôi làm ngoài giờ và tìm hiểu kiến thức ngoài > 5h/ngày, ai cũng hỏi tôi sao lại phải khổ vậy? sẽ có 1 công việc khác cho tôi mức lương cao hơn và công việc sẽ nhàn hơn.
Lúc đó nghĩ cũng chạnh lòng chứ, nhưng mà mục tiêu chưa bao giờ là “NHÀN” ở cái độ tuổi chập chững trên con đường sự nghiệp. Và sau 6 tháng, tôi lên làm quản lý chính thức, nhóm tuy chỉ có 3 người thôi và trong tất cả các công việc, đó cũng chỉ mới là điểm khởi đầu, chặng đường còn rất dài và năng lực của tôi (kể cả bây giờ) so với người khác cũng còn kém xa. Nhưng bạn thấy đó, mọi cố gắng dù là nhỏ nhất, những công việc dù là đơn giản nhất, đều sẽ được ghi nhận và giúp bạn trên con đường QUẢN LÝ sau này.
Nếu bạn đã cố gắng, mà chưa nhận lại được điều gì? Hãy tự hỏi:
- Bạn đã cố gắng đúng cách chưa? Nếu chưa hãy thử cách khác.
- Bạn đã cố gắng đủ thời gian chưa? Đừng quên bài học thay đổi lượng và chất nhé! Thành công cũng cần những cột mốc và ở đó, bạn chỉ chạm được thành công khi sự cố gắng của bạn được chất đầy vượt qua cột mốc đó.
Hãy thay đổi thái độ làm việc của mình ngay hôm nay nhé. Chúc bạn thành công!