BÍ KÍP VƯỢT ẢI “BẠN CÒN CÂU HỎI NÀO KHÔNG?” CỦA NHÀ TUYỂN DỤNG
I. Đừng để bị hỏi mà hãy chủ động bày tỏ thắc mắc của mình
Phỏng vấn là quá trình trao đổi trực tiếp của nhà tuyển dụng và ứng viên. Mục đích phỏng vấn của bên tuyển dụng là tìm ra người thích hợp để đảm nhiệm vị trí công việc của công ty, doanh nghiệp. Còn đối với ứng viên, ngoài ứng tuyển vào vị trí công việc mong muốn, còn có thêm thông tin về công ty, doanh nghiệp.
“Bạn còn câu hỏi nào không?” - là một câu hỏi phổ biến và xuất hiện hầu hết các buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng muốn đánh giá ứng viên có thực sự quan tâm và mong muốn đạt được vị trí công việc hay không. Không có câu hỏi nào hoặc các câu hỏi chung chung là điều tối kỵ và khiến ứng viên mất điểm.
Ngoài ra, theo một khảo sát có đến 29% nhà tuyển dụng ấn tượng hơn với những ứng cử viên sẵn sàng chia sẻ thắc mắc khi tham gia phỏng vấn. Vì vậy khi bạn có một cuộc phỏng vấn hãy luôn chủ động thể hiện những thắc mắc và nguyện vọng, đừng chờ đến “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”. Dưới đây là một số câu trả lời mà các dược sĩ nên “dắt túi” tăng điểm cộng đối với nhà tuyển dụng.
II.Các câu trả lời “ăn điểm” các dược sĩ nên áp dụng khi tham gia phỏng vấn?
1. Tại sao vị trí này hiện nay còn trống?
Đây là một câu hỏi quan trọng cần hỏi trong quá trình phỏng vấn vì nếu bạn được mời làm việc, bạn sẽ phải làm việc trong môi trường bị ảnh hưởng và định hình bởi người tiền nhiệm của bạn.
Có thể vị trí này được bổ sung thêm gần đây để hỗ trợ sự phát triển của công ty. Nếu đúng như vậy, hãy đặt câu hỏi tiếp theo về việc ai là người chịu trách nhiệm cho đến thời điểm này, và các nhiệm vụ sẽ được chuyển giao như thế nào.
Nếu bạn đang phỏng vấn cho một vị trí bị bỏ trống bởi sự điều chuyển của ai đó, hãy hiểu rõ những gì đã xảy ra. Tại sao người tiền nhiệm lại nghỉ việc? Người đó được thăng chức hay thuyên chuyển nội bộ? Nếu người tiền nhiệm rời công ty, hãy hỏi về lý do.
2. Lộ trình thăng tiến ở công ty ra sao? Hiệu suất công việc được đánh giá như thế nào?
Một ứng viên tiềm năng sẽ xác định rõ ràng mục tiêu và có kế hoạch thăng tiến cho sự nghiệp. Lộ trình thăng tiến và cách đánh giá hiệu suất công việc cũng là thông tin cần thiết đối với các ứng viên cầu tiến, ham học hỏi và gắn bó lâu dài với công ty, doanh nghiệp.
3. Khi làm công việc này có những khó khăn nhất định nào thường gặp phải.
Nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không ngại đối mặt với khó khăn, chủ động tìm hiểu và tìm cách khắc phục. Đối với một ứng viên kể cả chưa có kinh nghiệm, phẩm chất này vẫn là một điểm cộng lớn.
4. Văn hóa làm việc công ty thế nào, có yêu cầu về trang phục, nề nếp thế nào?
Môi trường làm việc là một yếu tố rất quan trọng đối với ứng viên. Bởi đây sẽ là không gian bạn dành đa số thời gian trong ngày, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc. Ngoài ra, phù hợp về văn hóa nề nếp khiến nhân sự mới dễ dàng hòa nhập và bắt kịp công việc.
5. Công ty có chương trình gì để hỗ trợ nhân viên phát triển nghề nghiệp và bản thân, giúp đạt hiệu quả cao trong công việc không?
Ngoài các chế độ lương thưởng, phúc lợi được nêu trong JD, được tạo điều kiện hỗ trợ phát triển bản thân cũng là một yếu tố hấp dẫn ứng viên và tăng khả năng gắn bó với công ty.
III. Một vài chủ đề câu hỏi các nhà tuyển dụng “xin chê”
- Những điều bạn có thể tự tìm hiểu: Các câu hỏi bạn dễ dàng tìm thấy đáp án khi truy vấn trên các nền tảng của công ty, doanh nghiệp như “ Công ty của bạn về lĩnh vực gì?” hoặc “Đối thủ cạnh tranh của bạn là ai?”. Các câu hỏi này gây phản tác dụng khiến người phỏng vấn cho rằng bạn không tìm hiểu về công ty và không nghiêm túc trong việc ứng tuyển của mình.
- Những câu hỏi về đời sống cá nhân của người phỏng vấn: Nhà tuyển dụng sẽ khó chịu và cảm thấy bạn kém chuyên nghiệp.
- Các hoạt động ngoài giờ, các câu chuyện ngoài lề.
Trên đây là một vài tips Pharma 360 chia sẻ, mong rằng sẽ hữu ích cho các dược sĩ khi tham gia phỏng vấn và ghi điểm tuyệt đối trong mắt nhà tuyển dụng. Tham khảo thêm các kinh nghiệm phỏng vấn chinh phục nhà tuyển dụng khác của Pharma360.
Giới thiệu bản thân hãy chú trọng đừng nghĩ đơn giản
Làm sao gây được ấn tượng khi trả lời câu hỏi điểm mạnh, điểm yếu?