NGHỆ THUẬT XIN LỖI
Xin lỗi là một từ thông dụng ngày nay, vậy mà trước đây, suốt mấy ngàn năm sách vở của thế giới, không có một chữ “xin lỗi” (apology) nào được viết ra, mặc dù ý tưởng về hối hận và nhận hình phạt thì có trong văn học. Cổ thư như Kinh Thánh chỉ có câu “xin Chúa tha tội”, hay “lỗi của tôi mọi đàng”.
Chữ xin lỗi giữa người và người (không phải giữa người và tạo hóa) đầu tiên xuất hiện trong văn học là của Shakespeare trong vở kịch Richard III, viết năm 1590. Rồi từ đó nó nở rộ cho đến ngày nay, cao điểm nhất là bắt đầu giữa thế kỷ 20, người ta bắt đầu xin lỗi như vẹt. Không những chỉ có cá nhân, những nhân vật nổi tiếng về các sai lầm của họ, mà còn khi đại diện cho một chính phủ về một sai lầm nào đó trong quá khứ cả trăm năm trước. Sự xin lỗi phổ biến đến nỗi mọi người đều yêu cầu hay chờ đợi lời xin lỗi của bất kỳ ai đó khi một tai hại xảy ra.
Dĩ nhiên là có người bác bỏ xin lỗi, có người xin lỗi chân thành, và có người giả bộ xin lỗi để thoát khỏi sự truy kích. Xin lỗi chân thành có thể bị xem là giả tạo, và xin lỗi giả tạo có thể tạo ra một ấn tượng chân thành. Lòng người rất khó đo, nhưng nghệ thuật diễn đạt có thể “rèn luyện” để trở thành một kỹ năng. Dưới đây là những yếu tố làm cho lời xin lỗi tỏ ra “rất thật”:
Đầu tiên để lấy được lòng người khác, cần biểu lộ rõ ràng một sự hối hận.
Kế đến cần xác định ai là nạn nhân, và liệt kê các tai hại đã gây ra cho họ. Càng đúng ý nạn nhân, càng ăn tiền. Không đặt ra những điều mà nạn nhân không đồng ý.
Chịu trách nhiệm mình là người gây ra tai hại đó. Đây là điểm mấu chốt, trước khi “đổ thừa” các nguyên do khác.
Giải thích nguyên do: đây là chỗ “đổ thừa”. Chỉ nên phát họa các điều chính, đừng đi sâu quá vào chi tiết. Càng đi sâu, càng nổi bậc lên sự tránh trách nhiệm, làm mất điểm 3 là điểm chủ lực.
Ngỏ ý những gì ta có thể làm để sửa chữa sai lầm đó (càng chi tiết càng tốt).
Bảo đảm sai lầm đó không xảy ra nữa (hứa và cố, dù biết là không bảo đảm nổi!)
Cuối cùng là xin tha thứ.
Không phải lời xin lỗi nào cũng đầy đủ 7 yếu tố trên. Thường trong sinh hoạt hàng ngày với những điều vặt vãnh thì chỉ 2 yếu tố đầu là đủ. Nếu tạo thành một thói quen thì cuộc sống ta sẽ dễ chịu hơn nhiều, mà không hại gì cả. Người Canada nổi tiếng là lịch sự, lúc nào cũng “I’m sorry” trên đầu môi, đến nổi truyền tụng chuyện khôi hài là đụng phải cái bàn họ cũng nói “I’m sorry!”
Đó là chuyện xin lỗi giữa 2 người, còn chuyện xin lỗi trước công chúng thì quả là khó khăn vô cùng, nhất là khi có dư luận trái chiều nhau, và tâm lý con người ta có khuynh hướng đi theo dư luận lớn tiếng nhất. Các nghiên cứu về lời xin lỗi của các nhân vật nổi tiếng trong showbiz thấy họ làm điều 1 và điều 7 tệ nhất (quá phớt tỉnh hay quá kịch tính), quá đi sâu vào điều 4, và bỏ qua điều 5.
Bạn không thể nào hoàn chỉnh hết 7 yếu tố nói trên. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng lời xin lỗi thực chất chỉ là hình thức. Nó không bao giờ giải quyết rốt ráo mâu thuẫn. Chỉ có đối thoại và trao đỗi ý kiến chân thành mới làm được công việc đó.
Dựa theo nguồn phim tài liệu trên Netflix: Apologies, explained.