Lựa chọn ứng cử viên phù hợp cho công viêc khó hay dễ?
Bạn là nhà tuyển dụng, bạn muốn tìm ra ứng viên phù hợp nhất cho vị trí công việc? Bạn có nhiều ứng viên nhưng làm thế nào để lựa chọn đối tượng được coi là tốt nhất cho công ty? Bạn đã từng trải qua các trường hợp đau đầu và không mấy vui vẻ khi mất nhiều thời gian để tuyển dụng nhân viên mới mà vẫn chưa thực sự hài lòng. Vậy thì đâu là giải pháp cho nhà tuyển dụng để nhanh chóng tìm kiếm và lựa chọn ra ứng viên tốt nhất xin hãy theo dõi bài viết sau đây
1. Bạn muốn gì?
Bạn muốn gì hay nói cách khác là bạn cần những tố chất nào ở ứng viên của bạn, những phẩm chất nào là cần thiết đối với công việc mà bạn đang có. Yếu tố này rất quan trọng, nó giúp bạn thu hẹp phạm vi đối tượng tuyển chọn. Hãy cho bản thân 1 checklist gồm 4 yêu cầu mà bạn mong muốn ứng viên của mình sở hữu. 4 yêu cầu này phải thực sự rõ ràng và liên quan mật thiết đến công việc. Việc xác định ra các tố chất cốt lõi sẽ đóng vai trò như là “phễu lọc” để bạn loại bỏ những ứng viên không phù hợp.
2. Sai lầm với dạng câu hỏi đóng
Sai lầm phổ biến ở các cuộc phỏng vấn hiện nay là sử dụng quá nhiều các câu hỏi dạng lựa chọn có hoặc không. Đừng đưa cho ứng viên câu hỏi có gợi ý sẵn các đáp án. Nếu bạn muốn khám phá ứng viên của mình, hãy cho họ những câu hỏi mở. Câu hỏi mở là công cụ tuyệt vời giúp bạn khai thác được rất nhiều thông tin từ ứng viên của bạn
Hãy tận dụng những câu hỏi mở để kiểm tra khả năng xử lý tình huống của các ứng viên khi làm việc cũng như tư duy cách suy nghĩ cũng như tính cách của ứng viên. Bởi lẽ cũng một vấn đề nhưng cách nhìn nhận của mỗi người là không giống nhau
Một số câu hỏi có thể sử dụng khi phỏng vấn như:
·Hãy kể lại cho tôi nghe về 1 lần bạn xích mích với đồng nghiệp và kết quả?
·Hãy kể về một lần bạn thất bại khi làm 1 dự án và cách vượt qua nó?
·Hãy kể về thành tựu đáng tự hào nhất trong công việc của bạn?
3. Ngôn ngữ cơ thể cũng là một công cụ để đánh giá ứng viên
Đôi khi ngôn ngữ cơ thể phản ánh rõ nhất tính cách cũng như phẩm chất của ứng viên. Cụ thể bạn có thể quan tâm tới ánh mắt, ứng viên có đang nhìn thẳng vào mắt bạn hay hướng ánh nhìn lên cao hoặc xuống thấp? Giọng nói như ứng viên có trả lời tự tin hay đang run? Cử chỉ chân tay như ứng viên có đang ngồi một cách thoải mái hay căng thẳng nắm chặt tay,… Những yếu tố này có thể không phải là yếu tố quyết định nhưng cũng là một cơ sở đáng tin cậy trong việc đưa ra quyết định trong việc có tuyển chọn ứng viên đó hay không?
Ví dụ: bạn chắc chắn sẽ không muốn thuê một luật sư luôn cúi gằm mặt khi nói chuyện hay một nhân viên quan hệ khách hàng có một giọng nói run lẩy bẩy…
4. Chia sẻ về văn hóa công ty tới ứng viên trong buổi phỏng vấn
Bạn cần hiểu rằng một ứng viên tốt nếu được lựa chọn sẽ cần phải thích ứng với văn hóa công ty bạn. Vì vậy đừng quên chia sẻ về văn hóa công ty bạn tới ứng viên trong buổi phỏng vấn. Và nên nhớ rằng nên dùng lời nói rõ ràng ngắn gọn để miêu tả văn hóa công ty để ứng viên là một người xa lạ có thể dễ dàng nắm bắt được. Đừng quên quan sát phản ứng của ứng viên về văn hóa công ty vì đây cũng là một yếu tố giúp bạn chọn ra đối tượng phù hợp với công ty của mình
5. Phỏng vấn qua điện thoại trước khi phỏng vấn trực tiếp
Bạn có quá nhiều ứng viên có hồ sơ “nhìn ổn" và bạn đang mất nhiều thời gian để phỏng vấn trực tiếp. Có rất nhiều ứng viên có CV đẹp, cover letter ấn tượng nhưng đến khi bạn thực sự nói chuyện thì mới phát hiện ứng viên có bộ hồ sơ hoàn hảo đó không thực sự phù hợp với tổ chức của mình.
Vì vậy, để không lãng phí thời gian và công sức cho các cuộc phỏng vấn tại văn phòng, hãy tổ chức những cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại. Cách làm này có thể cho bạn biết về phong cách ăn nói, thái độ và sự quan tâm của ứng viên cho công việc.
Sau cuộc phỏng vấn qua điện thoại, bạn sẽ sàng lọc được những ứng viên tiềm năng và phù hợp cho công việc. Lúc này hãy lên kế hoạch phỏng vấn chi tiết để hiểu rõ về họ hơn.
6. Hãy để các thành viên trong team được phỏng vấn người mới
Thực ra, Trưởng phòng nhân sự không nên là người duy nhất được phỏng vấn ứng viên. Các thành viên trong team cũng nên được tham gia một phần để xem xét liệu ứng viên có phù hợp để là một thành viên mới và gắn bó lâu dài với team hay không.
Tài năng không phải là tiêu chí duy nhất để lựa chọn ứng viên. Có thể ứng viên đó có kiến thức và tài năng nhưng nếu không được làm việc trong môi trường phù hợp thì khó có thể phát huy được toàn diện và có thể xảy ra “ nhảy việc” nhanh chóng. Vì vậy bên cạnh tài năng thì cần phải xem xét xem đó có phải là ứng viên phù hợp với công việc.
7. Ghi nhận phản hồi
Sau mỗi cuộc phỏng vấn, hãy cùng với đồng nghiệp của bạn thảo luận để tìm ra đâu là ứng viên phù hợp nhất. Dựa trên ý kiến của cá nhân và ý kiến, quan sát của đồng nghiệp từ đó đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi lẽ một người thì không thể quan sát và phát hiện ra được tất cả các tố chất của ứng viên chỉ trong một vài phút phỏng vấn.
Ngoài ra bạn cũng có thể tạo ra một list câu hỏi khảo sát dựa trên những năng lực cốt lõi mà bạn cần tìm kiếm ở ứng viên và yêu cầu đồng nghiệp của mình điền vào để đánh giá ứng viên. Việc này giúp cho việc đưa ra quyết định trở nên dễ dàng hơn.
Như bạn đã biết việc lựa chọn một ứng viên phù hợp với công ty, có đủ tài năng và tố chất để làm việc không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên nếu biết áp dụng các bí quyết trên một cách có hiệu quả tthì việc đưa ra quyết định tuyển dụng cũng không còn tốn thời gian và làm cho bạn đau đầu như bạn nghĩ.