Richard Branson nói rằng EQ quan trọng hơn IQ để đạt được thành công. Và khoa học ủng hộ quan điểm này của ông!
Richard Branson nói rằng EQ quan trọng hơn IQ để đạt được thành công. Và khoa học đã chứng minh quan điểm này của ông là đúng! Branson khuyên các bạn trẻ: "Đừng để thành tích học tập không tốt làm bạn gián đoạn ước mơ"!
Richard Branson đã bỏ học năm 16 tuổi và ông không bao giờ quay trở lại trường học. Tuy vậy, ông đã tích lũy được tài sản hàng tỷ đô la, được phong tước hiệp sĩ vì những đóng góp hữu ích cho kinh doanh và dường như bản thân ông đã tận hưởng cuộc sống một cách tuyệt vời. Vì vậy, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi gần đây đã có người trên LinkedIn hỏi ông: "Điều gì quan trọng hơn để thành công trong cuộc sống? EQ hay IQ?" và ông đã trả lời chắc chắn rằng đó là Trí tuệ cảm xúc (EQ).
"Đối với tôi, Trí tuệ Cảm xúc quan trọng hơn trong mọi khía cạnh của cuộc sống - và điều này bao gồm cả kinh doanh. Biết lắng nghe, thể hiện sự cảm thông, hiểu được cảm xúc, giao tiếp hiệu quả, đối xử tốt với mọi người và mang lại những giá trị tốt đẹp là điều quan trọng để đạt được thành công. Nó cũng giúp bạn xây dựng một doanh nghiệp thật sự hiểu nhân viên và giải quyết vấn đề cho họ, nó giúp đội ngũ nhân sự của bạn hạnh phúc và khỏe mạnh hơn," ông trả lời. Branson cũng cho biết thêm:
"Nếu để IQ và điểm học tập quyết định thành công của tôi, chắc chắn tôi không đạt được thành tựu như ngày hôm nay."
Câu trả lời này chắc chắn là động lực đáng khích lệ cho những người vẫn còn tồn tại những thất vọng kéo dài về kết quả học tập của họ. Rõ ràng, bạn có thể gặp khó khăn trong việc học tập nhưng vẫn có thể đạt được những điều tuyệt vời hơn trong cuộc sống. Nhưng liệu Branson chỉ là một trường hợp ngoại lệ, hay ông đã nói đúng khi cho rằng EQ quan trọng hơn IQ để đạt được thành công? Thực tế, khoa học phần lớn ủng hộ quan điểm này của ông.
Nhiều nghiên cứu cho thấy EQ quan trọng hơn IQ trong thành công. Tất nhiên, bàn luận về việc EQ hay IQ quan trọng hơn trong thành công còn phụ thuộc vào việc bạn hiểu thành công nghĩa là như thế nào. Nếu thành công đối với bạn là trở thành nhà toán học giành được huy chương Fields hoặc là nhà vật lý học hàng đầu thế giới, thì IQ là điều cần thiết để đạt được thành công (ngay cả Jeff Bezos cũng không đủ thông minh để theo đuổi vật lý học).
Nhưng nếu bạn muốn xây dựng một doanh nghiệp sinh lời, thăng tiến trong công việc và có cuộc sống gia đình hạnh phúc, ổn định thì ắt hẳn bạn nên quan tâm nhiều hơn đến việc tối đa hóa EQ của mình.
Hãy bắt đầu với thành công trong công việc. Nhiều người băn khoăn về việc liệu họ có thông minh để thành công trong công việc hay không, nhưng khi nhóm nghiên cứu của Harvard phân tích hiệu suất của các nhóm chuyên nghiệp, họ phát hiện ra rằng những người có EQ cao vượt trội hơn so với những người có chỉ số IQ cao hơn.
Vậy điều gì tạo nên một người quản lý "hoàn hảo"? Một nghiên cứu của Google trong hơn 10 năm có tên là Project Oxygen đã cho thấy điều tạo nên một người sếp tốt có ít liên quan đến năng lực chuyên môn và trí thông minh, mà liên quan nhiều hơn đến những "kỹ năng mềm" như sự đồng cảm, ủng hộ và giao tiếp.
Bạn lo lắng rằng bạn cần trí não vượt trội để đưa ra quyết định thông minh cho doanh nghiệp? Tất nhiên, trí tuệ chắc chắn có ích, nhưng một nghiên cứu tại đại học Yale cho thấy những người có EQ cao thực sự đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn, chủ yếu vì họ có khả năng nhận ra và quản lý cảm xúc của mình tốt hơn, từ đó giúp họ suy nghĩ một cách logic trong việc giải quyết vấn đề.
Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, một nghiên cứu quy mô lớn về đặc điểm của 65,000 chủ doanh nghiệp - cũng như sự tăng trưởng, sinh lời và tuổi thọ của các công ty cho thấy chỉ số EQ cao có khả năng dự báo thành công cao hơn nhiều so với chỉ số IQ cao. Đương nhiên, thông minh vẫn có ích, nhưng việc am hiểu và điều khiển mọi mặt của quan hệ giữa con người lại quan trọng hơn.
Cuối cùng, EQ không chỉ là yếu tố dự đoán thành công đáng tin cậy trong nhiều lĩnh vực mà nó còn dễ dàng để thúc đẩy và cải thiện. Mặc dù có nhiều cách để phát huy tiềm năng trí tuệ bẩm sinh mà bạn có nhưng IQ thường tương đối ổn định theo thời gian. Trong khi đó, trí tuệ cảm xúc bao gồm một bộ kỹ năng và khả năng dễ dàng để rèn luyện thông qua việc thực hành có chủ ý.
Tất cả những điều đó có lẽ sẽ thuyết phục bạn rằng Branson biết ông ấy đang nói về điều gì. Đọc sách, học những kỹ năng mới, vượt qua những định kiến và tiếp cận vấn đề một cách thông minh đều là những việc có giá trị. Tất nhiên, không ai nói bạn không nên cố gắng trở nên thông minh nhất có thể. Nhưng đừng nản lòng nếu bạn không phải là học sinh thông minh nhất trường. Branson đã từng học rất tệ khi ở trường, nhưng lại thành công vượt bậc trong cuộc sống, nhờ phần nào vào EQ xuất sắc của mình. Mặc dù rất ít người trong chúng ta sẽ đạt được những đỉnh cao như ông chủ Virgin, nhưng ông ấy là một ví dụ xuất sắc cho hai nguyên tắc quan trọng của thành công: EQ có thể được rèn luyện và đối với hầu hết định nghĩa thực tế của thành công, EQ sẽ đưa bạn đi xa hơn IQ.
Dịch từ bài viết: Richard Branson Says EQ Is More Important Than IQ for Success. Science Suggests He's Right