TRÌNH DƯỢC VIÊN HÃNG THU NHẬP BAO NHIÊU? LỘ TRÌNH THĂNG TIẾN NHƯ THẾ NÀO?
Chào mọi người, mình là một cựu Huper có thâm niên hơn 10 năm làm Trình dược viên ETC của nhiều hãng lớn. Gần đây có đọc các bài chia sẻ về nghề Trình dược viên, đúng có, sai có; và thấy một bạn nói rằng các anh chị đi trước chỉ vào comment đùa cợt mà không chia sẻ chân thành về nghề để các em có thể học hỏi, mình chợt giật mình nghĩ lại em ấy nói đúng thật. Do đó mình dành chút thời gian chia sẻ đôi điều theo hiểu biết và góc nhìn của mình để các em mới ra trường có thể tham khảo nhé.
1. Bằng cấp như thế nào thì vào được hãng?
Ở thành phố lớn thì hầu hết là yêu cầu đại học dược. Nhiều năm trước hầu như chỉ có Dược Hà Nội mới được tuyển nhưng sau này đã cởi mở hơn; các trường ở top khá cũng đều có cơ hội nhé. Ở tỉnh hoặc các hãng nhỏ, hoặc OTC thì có thể trung cấp/cao đẳng; nhưng sau đó nên đi học lên. Còn không học dược thì cũng có nhưng không nhiều, chủ yếu ở bên mảng thiết bị.
2. Có cần phải quen biết để vào hãng không?
Mình đọc được rất nhiều comment tiêu cực là phải quen biết mới được vào hãng. Thực tế mình phỏng vấn tất cả các hãng đều là tự gửi hồ sơ và được gọi đến phỏng vấn lần lượt qua các vòng; rất minh bạch và đàng hoàng. Việc có người quen giới thiệu chỉ giúp tăng khả năng được gọi đến phỏng vấn thôi (coi như một lần lọc hồ sơ hộ, vì người ta chỉ dám giới thiệu những người mà họ đánh giá cao chứ không ai dám giới thiệu các bạn kém để làm mất uy tín của mình cả). Mọi việc sau đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự thể hiện của bạn trong cuộc phỏng vấn. Ít có ai chỉ vì nể người quen mà nhận 1 người họ không ưng đâu.
3. Tiêu chuẩn như thế nào để được nhận?
Mình nghĩ không có tiêu chuẩn nào cả, tất cả chỉ là sự phù hợp. Mỗi hãng, thậm chí mỗi nhóm sẽ có phong cách riêng, nên khi phỏng vấn không đỗ thì đừng nản chí, cứ tiếp tục rải hồ sơ và cải thiện kĩ năng phỏng vấn, thế nào cũng sẽ có lúc đỗ thôi. Cố gắng mở rộng các mối quan hệ của mình ra, tham gia tích cực vào các hội nhóm câu lạc bộ; biết đâu có ngày cựu chủ tịch hội sinh viên lại chính là sếp đang phỏng vấn mình. Mối quan hệ càng rộng, bạn sẽ càng có nhiều thông tin hãng nào đang tuyển; sếp nhóm đó thích style nào; kinh nghiệm phỏng vấn như thế nào, thậm chí bạn bè trong nhóm đó sẽ giúp nói tốt về bạn với sếp… Nói chung các bạn mà càng năng động thì cơ hội vào hãng càng cao. Mình thấy làm TDV ko khó, cứ chăm chỉ, chân thành, làm việc có trách nhiệm là được. Nên các sếp cũng không yêu cầu cao siêu gì đâu, chủ yếu là đúng người - đúng thời điểm. Có khi bạn rất giỏi nhưng cùng lúc lại có bạn khác giỏi hơn thì sao, nên đừng nản chí nhé.
4. Thu nhập của trình dược viên hãng là bao nhiêu?
Hôm trước có bạn nào nói 120tr mà buồn cười quá, con số đó là không tưởng nha các em. Thu nhập của Trình dược viên không tỷ lệ thuận với quy mô của hãng đâu nha; có khi hãng nhỏ còn nhiều tiền hơn hãng to đó. Lương thì các bạn nói đúng rồi, dao động từ 10-2x; senior thì có 3x nhưng rất ít thôi. Thưởng cũng giảm nhiều so với trước rồi, mà đạt được cũng không dễ, thường dao động 20-40tr/quý. Có vẻ BI là hãng thưởng cao nhất hiện nay thì phải. Mình thấy thu nhập của Trình dược viên chủ yếu từ lương và thưởng thôi, tiền thu nhập ngoài gần như không có đâu. Tiền hoạt động của các hãng cắt giảm nhiều, và siết rất chặt. Thậm chí còn bỏ tiền của mình ra để chăm sóc Khách hàng chứ không có đút túi 30tr mỗi tháng như bạn nào chém gió đâu. Tạm tính, một bạn Trình dược viên hãng lớn ra trường 2 năm, địa bàn thuận lợi thì thu nhập tầm 25tr, lâu năm hơn thì cũng chỉ 3x. So với xã hội thì ở mức trung bình khá một chút, ko giàu nhưng cũng ko nghèo. Hai vợ chồng TDV nỗ lực thì sau 5 năm cũng mua được căn hộ trả góp nhé. Nên cứ tìm vợ/chồng cùng ngành mà lấy nè
5. Làm Trình dược viên hãng có những thuận lợi và khó khăn gì?
- Thuận lợi: Môi trường làm việc chuyên nghiệp, công bằng, tập trung vào kết quả (mình chưa bao giờ mua tặng 1 món quà nào cho sếp cả). Thu nhập ổn, các phúc lợi cũng tốt (đóng BHXH full lương, lương tháng 13, mua BH cho cả gia đình…); thời gian linh hoạt, bạn nào biết tận dụng thời gian có thể học tập hoặc làm thêm một số việc khác. Đặc biệt với phụ nữ có con nhỏ thì điều này vô cùng quý giá, khi con ốm đau mẹ có thể ở nhà để chăm sóc, rồi đưa đón con đi học cũng thuận tiện. Đây có lẽ là lý do lớn nhất níu chân nhiều người ở lại với nghề. Ngoài ra bạn cũng có nhiều mối quan hệ với bác sĩ, khoa dược, nhà thuốc… còn tận dụng được đến đâu thì tuỳ khả năng của bạn.
- Khó khăn: kể ra chắc phải 3 trang giấy mới hết. Đầu tiên là áp lực về doanh số; tăng trưởng; áp lực từ khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Budget hoạt động bị giảm nhiều trong khi yêu cầu tuân thủ Compliance càng ngày càng chặt khiến Trình dược viên nhiều khi quá nản và muốn bỏ nghề. Nếu địa bàn khó khăn thì đã không có thưởng, lại phải báo cáo giải trình…nhưng cũng ít khi bị đuổi trừ khi thái độ làm việc không tốt. Nói chung là khó khăn thì ở đâu cũng có, bình tĩnh rồi nó cũng qua thôi. Năm nay không đạt thì sales history thấp, sang năm sẽ nhận target thấp và có khi thành best seller không chừng. Nên đừng vội nhảy việc khi địa bàn có vấn đề nhé. Chưa chắc sang chỗ khác đã tốt hơn đâu, nên trừ khi có sự thăng tiến rõ ràng thì đừng nhảy việc lung tung, nát cái CV mà ko giải quyết được gì.
6. Con đường phát triển của Trình dược viên hãng là gì?
- Tiếp tục theo sale: thì lên Quản lý nhóm (DSM/ASM), Quản lý vùng (RSM), Quản lý nước (NSM).
- Rẽ sang hướng khác: thầu (KAE/KAM), Medical (MSL), Training, Regu, Marketing. Tuy nhiên Training và MKT ở ngoài bắc ko nhiều; bạn nào xác định con đường này thì nên Nam tiến sẽ có nhiều cơ hội hơn. Các bạn ở tỉnh thì cân nhắc việc về tỉnh thay vì bám trụ ở thủ đô, Trình dược viên tỉnh lương thưởng tương đương Hà Nội, ít bị giám sát hơn, làm đc nhiều việc hơn, chi phí không đắt đỏ, cuộc sống dễ thở hơn rất nhiều. Hiện giờ các tỉnh lớn vẫn có cơ hội lên DSM và thậm chí còn có cả RSM luôn. Việc thăng tiến không thể một sớm một chiều, cứ nỗ lực làm việc đừng sợ không có ai ghi nhận. Muốn làm Medical hay MKT thì cũng phải làm một Trình dược viên xuất sắc trước đã thì mới có cơ hội được để ý và cho phỏng vấn. Ngoài ra cũng cần phải thể hiện sự khát khao thì các sếp mới chú ý, khi công ty đăng tuyển vị trí quản lý nào thì cứ apply dù mình chưa đủ sức, để lấy kinh nghiệm phỏng vấn, và để các sếp biết nguyện vọng của mình mà lưu ý.
7. Trình dược viên có làm đc đến già không?
Cái này thì mình không biết, vì mình chưa già. Hầu hết mọi người nếu không lên được quản lý sẽ rẽ sang hướng khác ở tuổi U40, nhưng cũng có những Trình dược viên làm đến nghỉ hưu luôn dù không nhiều, và phần lớn trong số đó đều có 1 công việc khác rất ổn (môi giới BĐS, công ty riêng, nhà thuốc…). Lý do nghỉ chủ yếu là chán cảnh già rồi mà phải đi các bệnh viện năn nỉ các em/cháu BS kê đơn giúp thôi chứ không phải do công ty ép nghỉ. Bên thiết bị thì thường sẽ làm được đến già nhiều hơn, các bạn làm Trình dược viên tầm 3-5 năm, học tốt tiếng anh rồi apply các công ty thiết bị như J&J, Medtronic, Boston…sẽ có thu nhập tốt hơn, làm được lâu hơn, tất nhiên là áp lực vất vả hơn.
8. Vậy chốt lại, có nên làm Trình dược viên hay không?
Rất nên nhé, các bạn trẻ mới ra trường làm việc trong môi trường đa quốc gia sẽ giúp hình thành tác phong chuyên nghiệp, phát triển kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng bán hàng, tính cách điềm đạm hơn (do làm nghề chăm sóc khách hàng) và những mỗi quan hệ chất lượng. Đặc biệt với những bạn gia đình không khá giả, Trình dược viên hãng sẽ mang lại thu nhập ổn để tích luỹ cho tương lai. Tuy nhiên nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” giống rất nhiều người trước đây. Mức lương và sự nhàn hạ sẽ níu chân khiến bạn không dám bứt ra để khởi nghiệp hoặc làm công việc bạn yêu thích, cứ vật vờ cả chục năm mà không đạt thành tựu gì. Do đó nếu đi làm vài năm mà phát hiện ra mình không yêu nghề hoặc ko hợp với nghề này, cứ mạnh dạn thay đổi nhé. Thu nhập khởi đầu của Trình dược viên có thể tốt hơn các việc khác; nhưng nó gần như dậm chân tại chỗ và thậm chí thụt lùi nếu địa bàn gặp khó khăn không đạt thưởng. Bạn làm Trình dược viên 10 năm có thể thu nhập chỉ bằng một nửa bạn Trình dược viên 3 năm. Một số bạn bè của mình làm công việc khác như dược bệnh viện, nhà thuốc, giảng dạy, marketing cho công ty Việt Nam, kiểm nghiệm… lúc đầu lương thấp hơn mình nhiều nhưng sau hơn 10 năm phấn đấu thì cũng không chênh lệch bao nhiêu mà lại được làm công việc ưa thích và phát triển lâu dài.
Trên đây là những lời chia sẻ chân thành từ tận đáy lòng của mình, hi vọng có thể giúp ích được ai đó. Mình cũng mong các bạn làm trong các lĩnh vực khác của ngành dược có thể chia sẻ về công việc của bản thân để mọi người được học hỏi nhé. Cảm ơn cả nhà.
Nguồn: Bài đăng ẩn danh từ group Pharma360 - Thông tin tuyển dụng nhân sự ngành dược