CÁCH VIẾT CV XIN VIỆC ẤN TƯỢNG ĐỂ VƯỢT QUA ĐỐI THỦ TRƯỜNG TOP
Hẳn các bạn sinh viên đều có nỗi sợ học trường hạng trung thì sẽ bị bất lợi so với các trường top đầu khi ứng tuyển công việc. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, mình xin trả lời là không.
Tháng 10/2021, khi đang lướt Ybox, mình đọc được tin tuyển dụng Content Marketing part-time của TM. Điều đặc biệt trong tin tuyển dụng này là dòng “Ưu tiên sinh viên FTU, NEU”. Giới thiệu qua bản thân một chút, mình lúc đó là sinh viên sắp năm 3 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ngành Truyền thông đa phương tiện. Thú thật, lúc đọc qua tin mình có hơi e ngại, nghi ngờ bản thân không đủ khả năng, đầy người giỏi hơn mình chắc là mình không đậu đâu. Nhưng sự khao khát được đi làm tại công ty uy tín để có kinh nghiệm làm việc bài bản đã thôi thúc mình hành động. Chính vì vậy, mình quyết định thử 1 phen, được ăn cả, ngã không mất gì hết. Tin vui là mình đã vượt qua vòng phỏng vấn cuối cùng với anh founder TM.
Qua việc này, mình cũng hy vọng các bạn sinh viên đừng thấy tự ti vì trường mình học, người giỏi dù ở bất cứ môi trường nào cũng được trọng dụng. Hãy cứ tự tin giành lấy cơ hội, thể hiện năng lực của mình.
Quay lại với chiếc CV giúp mình lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, mình sẽ chia sẻ lại cho các bạn, hy vọng sẽ hữu ích với mọi người.
Chiếc CV đó của mình có gì?
1. THÔNG TIN CÁ NHÂN
Ở phần này, bạn cần giới thiệu đầy đủ tên, ngày tháng năm sinh và vị trí ứng tuyển. Điều này giúp HR dễ dàng lọc CV và lúc phỏng vấn tiện xưng hô.
2. GIỚI THIỆU BẢN THÂN
Hãy giới thiệu theo công thức: Hiện tại - Quá khứ - Tương lai - Thái độ làm việc
Ví dụ: “Xin chào. Tôi là một Content Writer làm việc trong ngành đã được 2 năm. Hiện tại tôi đang làm freelancer. Trong tươi lai tôi mong muốn trở thành một Freelance Writer, social media consultant. Tiêu chí trong công việc của tôi là: Nhiệt tình - Cẩn thận - Kiên trì”
Điều này sẽ khiến HR đánh giá bạn là người làm việc có mục tiêu và thái độ làm việc tốt, cũng giúp HR xem xét sự phù hợp của bạn với vị trí công ty đang tuyển.
3. KINH NGHIỆM LÀM VIỆC
- Chỉ chọn những kinh nghiệm liên quan đến vị trí sắp apply.
- Nên đưa những công việc chính bạn làm và nắm rõ nhất vào CV vì nhà tuyển dụng sẽ dựa vào những ý đó để đặt ra câu hỏi, tránh fake CV sẽ bị ngập ngừng khi phỏng vấn.
- Đừng chỉ nêu vị trí công việc, hãy nhấn mạnh kết quả đạt được (tốt nhất có con số)
VD: "Đạt 8.000 follower sau 2 tháng xây dựng kênh Instagram” thay vì "Quản lý, viết bài và thiết kế ảnh cho kênh Instagram của công ty".
- Dẫn link tới những nguồn tin khác của bạn như web, portfolio...
- Nên thiết kế nhiều mẫu CV khác nhau cho từng công ty bạn ứng tuyển.
4. KỸ NĂNG
Bạn lưu ý đừng sử dụng những thang đo trừu tượng như 5 sao, thước, phần trăm, rất mơ hồ để HR có thể đánh giá chính xác khả năng của bạn. Hãy mô tả bằng chữ những kỹ năng bản thân có.
5. HỌC VẤN
Đây là nơi bạn thể hiện tất cả những gì mình đã học được, bao gồm trường, các chứng chỉ, trung tâm từng học. Tốt nhất nên để thông tin người tham khảo, sẽ tăng uy tín cho thông tin bạn đưa ra ở trên.
6. THÔNG TIN LIÊN HỆ
Phần này chỉ đơn giản gồm số điện thoại, email, địa chỉ nơi ở và linkedin nếu có.
7. LỜI CẢM ƠN
Phần này dành cho các bạn mới chưa có nhiều kinh nghiệm. Mình thường thêm 1 câu cảm ơn vào cuối CV. “Thái độ quan trọng hơn trình độ”. Dù là chi tiết nhỏ nhưng một lời cảm ơn giúp thể hiện thái độ tốt của bạn với công việc đang ứng tuyển, tạo thiện cảm với HR.
Lời cuối, hãy tự tin ứng tuyển để giành lấy cơ hội cho bản thân, đừng ngại cũng đừng sợ gì cả. Chúc các bạn thành công ứng tuyển vào công ty mơ ước nhé.
Nguồn: Nguyễn Thu Hà