5 điều sinh viên Dược nên làm để có được công việc mơ ước
LỜI MỞ ĐẦU: LÍ DO MÌNH VIẾT BÀI NÀY
Mình đã nghĩ đến bài viết này suốt một thời gian dài, nhưng mãi chần chừ không biết có nên viết hay không. Lý do là mình luôn có thói quen viết về những điều mình thực sự đã làm được và thậm chí đã làm tốt. Trong khi đó, những năm tháng sinh viên, mình hoàn toàn không thực hiện được bất cứ điều nào trong bài viết này. Trong những năm tháng học Dược, mình đã bỏ bê sách vở, ngừng trau dồi kĩ năng, và tốt nghiệp với gần như không có gì đặc biệt: kiến thức kém, kỹ năng kém, ngoại hình bình thường (hoặc thậm chí là rất kém), và mối quan hệ thì cũng không có gì đáng nói.
Có điều, mình may mắn đã học ở một trong những trường cấp 3 chuyên tốt nhất cả nước, tốt nghiệp từ Đại học Dược Hà Nội, một trong những trường hàng đầu về đào tạo Dược sĩ. Và quan trọng nhất là mình đã tốt nghiệp cách đây 10 năm, vào thời điểm đó, số lượng Dược sĩ vẫn còn khá ít, chính vì điều này, mình vẫn nhận được sự tin tưởng từ các sếp và có cơ hội để học hỏi và chứng tỏ khả năng của mình. Nhờ vào đó, mình may mắn được làm những công việc mà mình yêu thích, từ việc phụ trách hồ sơ thầu thuốc, làm nhân viên nghiên cứu phát triển tại một công ty sản xuất, nhập khẩu thuốc, đến công việc đăng ký thuốc tại văn phòng đại diện nước ngoài.
Tất nhiên, hậu quả của việc bỏ bê trong những năm tháng đại học đó là mình phải nỗ lực rất nhiều trong công việc để bù đắp được phần nào những thiếu sót của mình. Mình luôn nghĩ rằng nếu bây giờ mình mới tốt nghiệp, có lẽ mình sẽ khó lòng cạnh tranh được với các bạn cùng trang lứa và mình có thể sẽ phải thất nghiệp một thời gian dài trước khi tìm được công việc phù hợp. Mình chỉ thực sự bắt đầu cố gắng phát triển bản thân trong một, hai năm gần đây, nên những gì mình đã đạt được vẫn còn rất nhỏ bé. Khi bắt đầu đi làm và đặc biệt là khi có gia đình, có con, bạn sẽ có ít thời gian và năng lượng để dành cho việc học tập cá nhân. Bạn sẽ phải bỏ ra nhiều gấp năm hoặc gấp mười công sức để đạt được cùng một mục tiêu khi đã bước vào cuộc sống thực tế so với khi còn học đại học.
Mình thực sự hi vọng rằng các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên Dược, sẽ không lặp lại sai lầm của mình ngày xưa và sẽ tận dụng thời gian ở trường để phát triển bản thân. Vì vậy, sau nhiều lần cân nhắc và đắn đo, mình đã quyết định viết bài viết này, chia sẻ những quan điểm cá nhân của mình về những điều mà mình tin rằng, nếu các bạn sinh viên Dược thực hiện trong suốt quá trình học tập (thậm chí sau khi tốt nghiệp), sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi và có tác động tích cực đối với công việc và cuộc sống của bạn trong tương lai.
ĐIỀU THỨ NHẤT: HỌC TỐT KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH
Nếu bạn hay tham gia vào các hội nhóm học tập, nghề nghiệp trên facebook, hẳn đều đã bắt gặp các bình luận phổ biến như "Học giỏi để làm gì, sau này cũng không dùng đâu" hoặc "Kiến thức trường học không giúp ích cho công việc sau này đâu, học cái khác đi" thì mình muốn chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề này với bạn. Mình không đủ kiến thức và kinh nghiệm để nói về các ngành và các trường khác, mình tin rằng việc học tốt kiến thức trong chương trình của trường Dược, đặc biệt là đại học Dược, là một phần quan trọng trong việc xây dựng sự nghiệp.
Thực tế là kiến thức mà chúng ta thu thập trong quá trình học tập rất đa dạng và phong phú. Và đúng là, khi chúng ta đi làm, đa số công việc sẽ chỉ liên quan chặt chẽ đến một lĩnh vực cụ thể trong ngành Dược. Ví dụ, một dược sĩ lâm sàng cần phải hiểu rõ cách sử dụng các loại thuốc, nhưng không cần phải biết quá nhiều về quá trình sản xuất thuốc. Còn ngược lại, làm nhân viên sản xuất thuốc, thì bạn lại chỉ cần quan tâm đến làm sao để sản xuất ra những loại thuốc. Trong khi đó, làm trình dược, bạn không cần hiểu rộng về nhiều loại thuốc mà chỉ cần hiểu sâu những vấn đề liên quan đến sản phẩm mà bạn đang giới thiệu. Vậy tại sao bạn nên học tốt kiến thức trên trường? Dưới đây là một số lý do mà mình muốn chia sẻ theo góc nhìn của mình:
Thứ nhất, giống như cơ thể cần tập thể dục để phát triển, não bộ cũng cần được rèn luyện để phát triển. Học tập các môn học, đặc biệt là những môn khó ở trường dược, giúp tăng cường kết nối thần kinh trong não, cải thiện trí nhớ, tính logic, khả năng tập trung và phản xạ. Kiến thức là quan trọng nhưng kiến thức quên thì có thể mở giáo trình ra để xem lại, bạn không cần phải luôn luôn nhớ đến nó, quá trình học tập để có được kiến thức đó mới là cái quan trọng hơn. Quá trình học tập ở trường Dược sẽ rèn cho bạn tính tỉ mỉ, sự cận thận và một tư duy tốt, chuẩn bị cho việc thực hiện các nhiệm vụ khó khăn và phức tạp hơn trong tương lai.
Thứ hai, dù công việc của bạn không yêu cầu tất cả các kiến thức mà bạn học, việc có kiến thức nền tảng tốt sẽ giúp bạn thực hiện công việc hiện tại một cách hiệu quả. Ví dụ, nếu bạn làm trình dược viên và hiểu quy trình sản xuất thuốc cũng như các dạng bào chế, bạn sẽ không phụ thuộc nhiều vào đào tạo từ công ty và có thể trình bày sản phẩm của mình một cách tự tin, thuyết phục với khách hàng. Nếu bạn làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, hiểu về nhu cầu của thị trường và tác dụng dược lý của sản phẩm sẽ giúp bạn phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường hơn.
Thêm vào đó, bạn có chắc chắn rằng sự nghiệp của bạn sẽ không trải qua sự thay đổi sau một thời gian làm việc? Có thể, sau một vài năm, bạn có mong muốn thử sức trong một ngành khác hoặc chuyển sang một lĩnh vực công việc mới. Học tốt kiến thức tổng quát ở trường đó không chỉ là để tích lũy kiến thức, mà còn để tạo cơ hội cho bạn thám hiểm và phát triển sở thích và khả năng của mình. Nó cũng giúp bạn hiểu rõ các lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, và quan trọng hơn, loại bỏ nỗi lo lắng về khả năng thực hiện công việc mới. Dù sau vài năm làm trình dược viên, bạn có muốn chuyển sang lĩnh vực sản xuất hay lâm sàng,và ngược lại, bạn sẽ luôn tự tin rằng bạn đã tích lũy một nền tảng vững chắc và có khả năng học hỏi nhanh chóng để nắm bắt một nghề nghiệp mới khi cần thiết.
Cuối cùng, do tính chất đặc biệt của ngành dược, nhiều vị trí công việc đòi hỏi tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt và yêu cầu kinh nghiệm làm việc. Có rất ít vị trí thực tập cho sinh viên (ngoại trừ một số vị trí trình dược viên hoặc thực tập trong lĩnh vực marketing). Vì vậy, bằng cấp của bạn là điều quan trọng khi bạn ra trường. Nếu bạn không học tốt, bạn sẽ còn gặp khó khăn hơn khi tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.
Vậy, học tốt kiến thức trên trường không chỉ là để tích lũy kiến thức, mà còn là để phát triển tư duy, chuẩn bị cho các thách thức trong tương lai và tạo cơ hội nghề nghiệp đa dạng.
ĐIỀU THỨ HAI: ĐỊNH HƯỚNG CHUYÊN NGÀNH MÀ MÌNH MUỐN THEO ĐUỔI
Nếu bạn đang tự hỏi tại sao học tốt các kiến thức trên trường để có cơ hội chọn lựa nghề nghiệp phong phú mà vẫn cần phải định hướng chuyên ngành mình muốn theo đuổi, thì hãy xem xét những lý do sau đây của mình:
Thứ nhất, thời gian của chúng ta có giới hạn, và quy tắc Pareto 80/20 là một lời khuyên quý báu. Nói một cách đơn giản, hãy tập trung vào 20% yếu tố quan trọng nhất để đạt được 80% kết quả. Điều này không có nghĩa là bạn nên bỏ qua kiến thức và kỹ năng chung hoặc chỉ học những gì bạn yêu thích. Tuy nhiên, có một thực tế rằng không phải ai cũng có thể hoàn hảo mọi thứ. Học kiến thức cơ bản và kỹ năng mềm quan trọng, nhưng cần có sự cân nhắc thời gian mà bạn nên dành cho nó. Ví dụ, nếu bạn không học mãi cũng không quá giỏi ở môn Hóa dược, bạn không thích nó, hơn thế nữa định hướng của bạn sau này cũng không liên quan đến Hóa dược mà là liên quan đến kinh tế dược, thì theo mình không cần suy nghĩ quá nhiều đến nó, hãy học đủ để đạt điểm trung bình (7-8 điểm) ở môn đó thôi. Hãy dành thời gian cải thiện tiếng Anh, nắm vững kiến thức các môn kinh tế, và phát triển kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng khác. Ngược lại, nếu bạn muốn trở thành nhân viên nghiên cứu phát triển, thì hãy tập trung học thật giỏi các môn chuyên ngành như bào chế, công nghệ sản xuất, hóa dược,..
Thứ hai, việc có mục tiêu rõ ràng giúp bạn duy trì động lực và hạnh phúc trong quá trình hoàn thành những nhiệm vụ mà bạn không thích. Mục tiêu sẽ là nguồn động viên mạnh mẽ để bạn vượt qua khó khăn trong quá trình học tập, rèn luyện và làm việc sau này. Ví dụ, mình muốn trở thành nhân viên đăng ký thuốc nước ngoài và hiểu rằng tiếng Anh là yếu tố quan trọng. Mình đã tự thúc đẩy bản thân học tiếng Anh thay vì xem phim hoặc đọc truyện. Khi mình vượt qua cám dỗ để học tiếng Anh, mình cảm thấy hạnh phúc và tự hào về bản thân. Mục tiêu giúp mình thấy mình đang tiến gần hơn đến ước mơ của mình. Mình tin rằng, nếu bạn hình dung được sau này mình sẽ làm gì, trở thành con người như thế nào, thì mọi khó khăn trên con đường đó đều sẽ trở nên bớt chông gai hơn.
ĐIỀU THỨ BA: TẠO VÀ NUÔI DƯỠNG CÁC MỐI QUAN HỆ TỐT
Mình muốn chia sẻ quan điểm riêng về tại sao quan hệ trong ngành Dược đặc biệt quan trọng:
Thứ nhất, ngành Dược rất nhỏ, và bạn có thể gặp lại các bạn cùng lớp, anh chị em khóa trên, khóa dưới ở trong chính công ty của bạn hoặc công ty bạn muốn xin vào làm. Có lúc, những người bạn thời học cùng có thể trở thành đồng nghiệp, cấp dưới hoặc sếp của bạn. Một khi bạn có mối quan hệ tốt, bạn có thể được chia sẻ thông tin và giúp đỡ có được cơ hội việc làm tốt hơn. Ví dụ như khi mình nghỉ việc ở công ty cũ, mình cũng đã nộp CV giúp bạn cùng lớp của mình để bạn ứng tuyển vào vị trí trưởng phòng ở công ty đó. Mình tin rằng, dù không có nhận xét của mình hay việc mình nộp CV, thì sếp cũ của mình hay bạn của mình cũng sẽ được nhận vì sự xuất sắc của mọi người, nhưng chắc chắn, khi có được sự khẳng định từ một người quen, bạn sẽ có thêm cơ hội để chứng tỏ năng lực của mình đúng không?
Thứ hai, công việc trong ngành Dược hầu như đều rất khó và đầy thách thức. Đôi khi, bạn sẽ gặp phải vấn đề mà bạn chưa từng gặp bao giờ và cũng chưa tìm ra được hướng giải quyết như nào. Trong những trường hợp như vậy, mối quan hệ với người khác, chẳng hạn thầy cô giáo hoặc các anh chị, các bạn làm cùng ngành, có thể giúp bạn giải quyết vấn đề và giúp bạn tiến bộ trong công việc.
Mạng xã hội hiện nay là một công cụ tuyệt vời để các bạn có thể kết nối với rất nhiều người cùng mối quan tâm, cùng chuyên ngành với bạn. Tham gia vào các hội nhóm hoạt động tích cực, theo dõi kết bạn với những người mà bạn thấy có thể giúp ích cho mình, phản hồi các bài viết, viết bài viết có giá trị là những bước đầu và đơn giản nhất để đặt nền móng cho một mối quan hệ từ online (trên mạng) đến offline (ngoài đời).
Khi xây dựng mối quan hệ, hãy tạo ra mối quan hệ có giá trị cho cả hai bên. Hãy sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hoặc thậm chí thời gian và tiền bạc để giúp đỡ người khác. Như vậy, bạn có thể nhận lại sự hỗ trợ và hợp tác từ mọi người trong tương lai một cách bền vững.
ĐIỀU THỨ TƯ LÀ: ĐỌC SÁCH CÓ CHỦ ĐÍCH
"Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc" - Harvey MacKay. Gặp gỡ học hỏi từ mọi người là rất quan trọng nhưng đọc sách để học hỏi kiến thức từ đó cũng quan trọng không kém. Nhất là nếu bạn là người không thích gặp gỡ quá nhiều người, hãy đặt chú trọng vào việc đọc sách. Sách là kết tinh của tri thức từ hàng loạt các tác giả nổi tiếng và chuyên gia của tất cả lĩnh vực trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là đọc sách có thể giúp bạn tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực ngay cả khi bạn không có cơ hội gặp gỡ họ trong cuộc sống hàng ngày.
Hãy lưu ý rằng bạn nên mở rộng phạm vi đọc sách, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chuyên ngành Dược. Và quan trọng nhất là nên đọc sách có chủ đích. Bạn muốn đọc sách để học về Marketing, hãy đọc các sách về Marketing; bạn muốn đọc sách về kỹ năng quản lý thời gian, hãy đọc các sách viết về kỹ năng quản lý thời gian. Nhưng đừng chỉ đọc 1 cuốn, với mỗi chủ đề, hãy đọc 4 -5 cuốn sách để có được nhiều góc nhìn của nhiều tác giả. Và sau khi đọc sau những quyển sách đó, hãy ghi lại ba điều mà bạn thấy hay, phù hợp với chính mình và có thể thực hành ngay theo được. Theo cách đó, dần dần bạn sẽ có một kho tàng các kiến thức và kỹ năng mình cần. Hơn thế nữa, nó sẽ xây dựng lên cho các bạn sự tự tin về chính bản thân mình. Khi có sự tự tin, bạn sẽ dễ dàng trò chuyện với người khác và học hỏi từ họ nhanh hơn.
ĐIỀU THỨ NĂM LÀ: XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN
Dù bạn có kiến thức và kỹ năng tốt đến đâu, nếu nhà tuyển dụng hoặc sếp tương lai không biết về bạn, có thể bạn sẽ bị bỏ lỡ những cơ hội quan trọng. Trong thời đại hiện nay, thông tin về bạn có thể được tìm kiếm dễ dàng trực tuyến chỉ bằng vài cú click chuột, và sếp tương lai của bạn cũng sẽ làm như vậy. Một trang CV có thể không đủ để trình bày tất cả ưu điểm của bạn, nhưng một hồ sơ mạng xã hội trên Facebook, một hồ sơ LinkedIn chuyên nghiệp hoặc một trang web cá nhân thể hiện dự án bạn tham gia, tính cách và tài năng của bạn liên quan đến công việc sẽ tạo ấn tượng tốt.
Tuy nhiên, không nên tạo thương hiệu cá nhân một cách giả tạo. Nếu thương hiệu cá nhân không thể thể hiện tính cách thực sự của bạn, bạn có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường làm việc hoặc công việc cụ thể. Thương hiệu cá nhân và cái tôi thật của bạn cần phải nhất quán với nhau, và phản ánh đúng về bạn.
KẾT LUẬN
Tóm lại, theo quan điểm cá nhân của mình, tập trung vào 5 điều sau đây trong quá trình học ngành Dược sẽ giúp bạn đạt được sự thành công trong công việc và cuộc sống sau này:
- Học tốt kiến thức chuyên ngành Dược.
- Định hướng được chuyên ngành mình muốn theo đuổi.
- Tạo và nuôi dưỡng các mối quan hệ tốt
- Đọc sách một cách có mục đích
- Xây dựng thương hiệu cá nhân đúng với bản thân bạn.
Chúc bạn KIÊN TRÌ trong hành trình phát triển của mình! Mình tin rằng, nếu KIÊN TRÌ theo đuổi, THÀNH CÔNG sẽ đến với bạn.
------------------------------------------------------------
Nguồn: Tác giả Nguyệt Phùng